Cấu trúc cơ bản của một bài báo

Cấu trúc cơ bản của một bài báo

Thông thường một bài báo khoa học có cấu trúc như sau

1. Tiêu đề bài báo (Title): Chỉ tên bài báo, số lượng từ trong tiêu đề bài báo tùy theo quy định từng tạp chí, thông thường từ 10-18 từ phản ánh nội dung đề cập trong bài báo. Dưới tiêu đề bài báo thường là tên tác giả, tập thể tác giả, email, cơ quan công tác, ngày nhận bài báo và ngày chấp nhận đăng bài báo.

2. Tóm tắt (Abstract): Số lượng từ phần này tùy theo quy định của từng tạp chí, thông thường là 100-250 từ. Tóm tắt bài báo thường phải thể hiện vấn đề/mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, thời gian, số liệu dùng cho nghiên cứu, kết quả tác giả mới tìm ra, và kết luận. Tất cả được trình bày hết sức ngắn gọn, cô đọng. Dưới tóm tắt là từ khóa (Key words) gồm 3 - 5 từ quan trọng có tần suất lặp lại nhiều.

3. Giới thiệu (Introduction): Đây là phần dẫn nhập, phần này thường nói về cơ sở, lý do, tầm quan trọng của vấn đề tác giả muốn nghiên cứu và cấu trúc của bài báo. Quan trọng nhất là tác giả phải nêu rõ câu hỏi nghiên cứu của mình (research question).

4. Lược sử về nghiên cứu trước đây (Literature review): Một số bài báo khoa học gộp mục này với mục giới thiệu (introduction) bên trên, tùy vào ý đồ tác giả, cũng có nhiều trường hợp tách riêng. Phần này tác giả phải nêu những nghiên cứu quan trọng trước đây trên thế giới đã làm liên quan đến vấn đề mình nghiên cứu. Tác giả phải chỉ ra các nghiên cứu trước đã đi tới đâu, đạt kết quả gì? Những gì còn thiếu, chưa hoàn chỉnh, hoặc bị sai lệch? kể cả về mặt lý thuyết (theoretically) và thực nghiệm (empirically), từ đó tìm cách bổ sung, hoàn chỉnh, điều chỉnh thể hiện sự đóng góp mới của tác giả cho sự phát triển khoa học.

Nếu nghiên cứu của tác giả đề cập đến một vấn đề lý thuyết hoặc thực nghiệm hoàn toàn mới chưa ai nghiên cứu thì phần này chỉ cần nói đến vấn đề riêng tác giả cũng có thể gộp vào phần giới thiệu. Trong thực tế, có rất ít các nghiên cứu như vậy, phần lớn được phát triển từ các nghiên cứu trước đó.

5. Phương pháp và số liệu dùng cho nghiên cứu (Methodologies and Data): Phần này đề cập nghiên cứu sử dụng phương pháp gì. Chẳng hạn như phân tích định tính (qualitative analysis), phân tích định lượng (quantitative analysis), mô tả (descriptive), thực nghiệm (empirical study)... tùy từng công trình, mục tiêu, lĩnh vực nghiên cứu để chọn cho phù hợp và số liệu/dữ liệu nào. Đây là công cụ giúp tác giả trả lời câu hỏi nghiên cứu của bản thân đưa ra.

6. Kết quả và thảo luận (Results and Discussion): Phần này tác giả chỉ ra, giải thích và thảo luận về các kết quả mình mới tìm thấy mà nghiên cứu trước chưa tìm ra hoặc phản bác lại kết quả của các nghiên cứu trước, hoặc bổ sung thêm để hoàn thiện về lý thuyết hoặc thực nghiệm cho các nghiên cứu trước đây đã đề cập ở mục lược sử (Literature review). Nói cách khác, đây chính là câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu ở mục Giới thiệu - Introduction.

7. Kết luận (Conclusion): Phần kết luận tổng lược kết quả nghiên cứu, nêu bật ý nghĩa khoa học của kết quả nghiên cứu, ứng dụng của chúng vào thực tế cuộc sống, hoặc giúp cho việc hoạch định chính sách ra sao (đóng góp (contribution) của nghiên cứu), ưu nhược điểm của nghiên cứu như thế nào, và những định hướng cho các nghiên cứu liên quan trong tương lai.

8. Tài liệu tham khảo (References): Mục này gồm các tài liệu có trích dẫn hoặc là cơ sở quan trọng cho việc phân tích logic của nghiên cứu đề cập trong bài báo. Xin lưu ý, phần này cần trình bày theo tiêu chuẩn các tạp chí đưa ra. Trên thế giới thậm chí xuất hiện các trường phái khác nhau về tiêu chuẩn cho việc viết mục tài liệu tham khảo như trường phái Đại học Chicago, Mỹ.

9. Lời cám ơn (Acknowledgements) nếu có: Là lời cám ơn tới các cơ quan, tổ chức tài trợ, các cá nhân có đóng góp, giúp đỡ cho việc viết và hoàn thiện bài báo.

Trên đây là cấu trúc (structure) của một bài báo khoa học thông thường, trong thực tế có thể có thay đổi chút ít. Khi nộp (submit) bản thảo bài báo (manuscript) của mình cho tạp chí nào tác giả cũng hết sức lưu ý về các yêu cầu trình bày một bài báo khoa học tạp chí đó cả về cấu trúc lẫn định dạng (format), kẻo bị từ chối.
Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Thông tin hữu ích

Contact Me on Zalo