Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch

Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch


THƯ MỜI VIẾT BÀI THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC: “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch”



1. Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330), tục danh là Đồng Kiên Cương, là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo - hành đạo, Thiền sư Pháp Loa đã kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm đã tạo lập, đóng góp nhiều mặt trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong sự nghiệp truyền đăng tục diệm, Thiền sư Pháp Loa thiết lập, định vị trụ xứ trung tâm truyền pháp của Sơn môn Trúc Lâm: Yên Tử - Quỳnh Lâm - Siêu Loại; xác lập tư cách Thiền giả qua Thanh quy chuẩn mực học Thiền, tu Thiền, ngộ Thiền, hoằng Thiền và qua giới luật Sa di - Tỳ kheo - Bồ tát; xác lập vững chắc tịnh sản (ruộng chùa, đất chùa, Tam bảo nô, v.v.) của hệ thống Thiền viện Thiền phái Trúc Lâm, góp phần ổn định đời sống bảo đảm việc học tập và tu tập cho chư tăng.

Trong sự nghiệp giáo dục, Ngài thiết lập trường lớp tại các Thiền viện lớn của hệ phái Trúc Lâm, biên soạn điển tịch với nhiều môn loại như Lịch sử Phật giáo và Tông môn, Giáo điển, Thiền điển, Mật điển, nghi lễ ứng phú v.v., tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đào tạo tăng tài, kế thừa mệnh mạch và hoằng truyền Phật pháp. Trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, Ngài đã lập nhiều tự viện, trùng tu, đúc tạo, v.v., hàng loạt tùng lâm, bảo tháp, bảo tượng Phật - Bồ tát trên toàn lãnh thổ Đại Việt và thường xuyên tổ chức thuyết giảng kinh tịch, thực hành các nghi lễ cầu an, cầu siêu, Phật đản, Vu lan, v.v., đáp ứng nhu cầu học Phật và tín ngưỡng cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt hơn cả là với sự ngoại hộ của Hoàng thân quốc thích và quan dân đương thời, Ngài đã ấn tống nhiều điển tịch thuộc Đại tạng kinh, gồm nhiều kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, các kinh sách của Thiền tông và điển tịch Phật giáo Việt Nam. Hoạt động in ấn kinh tịch của Đệ nhị tổ đã có đóng góp to lớn trong việc phổ biến kinh điển Phật giáo và Phật giáo Việt Nam.

2. Thực hiện sứ mệnh nghiên cứu, giới thiệu và phát huy các giá trị của Phật giáo Trúc Lâm, trong đó có di sản của Trúc Lâm Tam tổ; nhân kỷ niệm 690 năm ngày Thiền sư Pháp Loa viên tịch, Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội có kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học: “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử - kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch”.

Thời gian dự kiến: Hội thảo trong một ngày 15/11/2020.
🏫 Địa điểm: Tỉnh Quảng Ninh.
Hội thảo tập trung trao đổi và thảo luận những nội dung sau:
Nội dung 1: Hành trạng, sự nghiệp tu hành và vai trò vị trí của Thiền sư Pháp Loa trong Phật giáo Trúc Lâm đời Trần và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Nội dung 2: Thiền học của đệ Nhị tổ Pháp Loa.
Nội dung 3: Phật giáo Trúc Lâm truyền thống và hiện đại: Thảo luận về những giá trị và sự gợi mở từ sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa nói riêng, Phật giáo Trúc Lâm nói chung trên các phương diện tu tập, hoạt động văn hóa, học thuật, biên soạn thư tịch, ấn tống kinh sách, v.v., đối với đời sống đương đại.

3. Viện Trần Nhân Tông trân trọng kính mời Quý học giả viết bài tham luận cho Hội thảo nói trên.
Bài tham luận trình bày bằng tiếng Việt.
Thời gian nhận đăng ký tham dự và tóm tắt: Trước ngày 15/7/2020.
Thời hạn nhận bài tham luận toàn văn: Trước ngày 15/10/2020.
📧Địa chỉ email nhận bài: khoahocvtnt@gmail.com
Chi tiết xin liên hệ Ban thư ký hội thảo
🌏 Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà C1T, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Thường trực: chị Ngọc Anh; DĐ: 0989705099; CQ: (84-24) 3767 5840.
🌐Thông tin chi tiết tham khảo tại website: www.tnti.edu.vn
Rất mong nhận được sự hưởng ứng và cộng tác.
Trân trọng.


Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Contact Me on Zalo