Thư mời viết bài Hội thảo khoa học quốc tế "Tôn giáo và Khoa học ở Đông Á trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0"

Thư mời viết bài Hội thảo khoa học quốc tế "Tôn giáo và Khoa học ở Đông Á trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0"

TRƯỜNG ĐAI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
TT NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO ĐƯƠNG ĐẠI (CECRS)-KHOA TRIẾT HỌC
Hà Nội, ngày 8 tháng 3 năm 2023

THƯ MỜI
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ
TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC Ở ĐÔNG Á TRONG BỐI CẢNH
CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Thời gian: 11-13 tháng 7 năm 2023
Địa điểm: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
336 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội
Cơ quan tổ chức: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

I. Lý do tổ chức Hội thảo

Hiệp hội các nhà khoa học nghiên cứu tôn giáo Đông Á (East Asian Society for Scientific Study of Religion, viết tắt EASSSR) được thành lập năm 2018, đến nay đã quy tụ hàng trăm nhà khoa học trong khu vực nghiên cứu các lĩnh vực tôn giáo học. Đến nay, đã có nhiều nước trong khu vực như Singapore (2018), Nhật Bản (2019), Hàn Quốc (2021), Đài Loan (Trung Quốc, 2022) tổ chức đăng cai các Hội thảo khoa học do Hiệp hội tổ chức. Năm 2023, Việt Nam có vinh dự là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị lần thứ 5 của Hiệp hội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng ra tổ chức. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài nước có dịp trao đổi kinh nghiệm cũng như mở ra các hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo tôn giáo học.

Như chúng ta biết, quan hệ giữa tôn giáo và khoa học từ lâu đã được các học giả trên toàn thế giới thảo luận. Trong một thời gian dài, lịch sử tư tưởng phương Tây đã bị ám ảnh bởi ý tưởng về sự đối đầu giữa hai lĩnh vực này khi sự xuất hiện của phong trào Khai sáng đã thúc đẩy niềm tin rằng một khi khoa học phát triển, tôn giáo sẽ dần đi đến hồi kết. Sự đối lập giữa tôn giáo và khoa học được nhìn nhận tựa như sự đối lập giữa bảo thủ và sáng tạo, lạc hậu và văn minh. Về phía các tôn giáo, một số nhà thần học Kitô giáo coi lý trí, kiến thức và khoa học của con người là một thách thức đối với niềm tin và đời sống tôn giáo và chọn một quan điểm độc quyền, thậm chí thù địch chống lại họ.

Thực tế, mối quan hệ tôn giáo và khoa học phức tạp hơn nhiều, giữa chúng không chỉ có sự đối đầu mà còn có sự bổ sung lẫn nhau. Ngay thời trung cổ và cận đại Thomas Aquinas, Francis Bacon đã đề xuất “thuyết chân lý kép”, trong đó lý trí và tri thức được thừa nhận và đóng vai trò quan trọng trong việc chiêm nghiệm về cái siêu việt. Mặt khác, sự đóng góp của các tôn giáo vào sự phát triển của lý trí và tri thức thông qua triết học, bằng việc thành lập và hỗ trợ các trường đại học, bệnh viện và các cuộc thám hiểm thế giới. Ngày nay, ta biết rằng mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa và khác nhau giữa các tôn giáo. Quan hệ giữa khoa học và các tôn giáo như Phật giáo, Khổng giáo, Ấn Độ giáo ở văn hóa Đông và Nam Á có nhiều điểm khác với quan hệ này ở phương Tây hoặc Ả Rập.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang và sẽ thay đổi căn bản nhiều phong tục, lối suy nghĩ và hành vi của chúng ta ở mọi nơi. Dù muốn hay không, các quan niệm thần học và triết học truyền thống rõ ràng đang phải đối diện với những thách thức to lớn do khoa học và công nghệ thời đại mới đặt ra: Nên quan niệm thế nào về cái siêu nghiệm? Trong bối cảnh chủ nghĩa siêu nhân bản và trí tuệ nhân tạo (A.I.), 'chúng ta' là gì và 'họ' là gì? Các tôn giáo nên có thái độ ra sao và nên chuyển hóa thế nào? Để tìm kiếm câu trả lời, điều quan trọng là các học giả về tôn giáo phải học những bài học trong quá khứ, chọn một cách tiếp cận khác. Sự đối đầu và chủ thuyết lấy châu Âu làm trung tâm sẽ chỉ khiến chúng ta ngày càng xa dời thực tế. Chúng ta nên tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại, cởi mở mời gọi những kinh nghiệm và ý tưởng của những người khác, trường hợp của hội nghị này, những kinh nghiệm và ý tưởng của thế giới phương Đông.

II. Nội dung của Hội thảo

1. Tôn giáo và khoa học, đức tin và tri thức: những vấn đề lý thuyết.

2. Tôn giáo và khoa học ở phương Đông thời tiền thuộc địa, thuộc địa và hậu thuộc địa.

3.Quan hệ tôn giáo và khoa học ở phương Tây và những ảnh hưởng của nó đối với các nền văn hóa châu Á.

4. Mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học: nghiên cứu so sánh giữa các lĩnh vực và nền văn hóa khác nhau.

5. Cách mạng công nghiệp và Tôn giáo 4.0: thách thức và chuyển đổi.

6. Tôn giáo và quan niệm về con người: Trí tuệ nhân tạo (A.I.), thuyết siêu nhân bản, con người và Thượng đế.

7. Tôn giáo và thiên nhiên: vấn đề môi trường và sinh thái.

8. Tôn giáo và đạo đức: biến đổi gen, nhân bản vô tính, nạo phá thai, v.v.

9. Tôn giáo và sức khỏe: phúc lợi, chữa bệnh tâm linh, đại dịch và thảm họa.

10. Tôn giáo và công chúng: liên kết tôn giáo, chính sách tôn giáo, giáo dục tôn giáo và phúc lợi xã hội của các tôn giáo trong một thế giới đang biến chuyển.

Ngôn ngữ chính tại Hội thảo: Tiếng Anh, tiếng Việt

Diễn giả chính: GS.TS Trần Văn Đoàn, Đại học Quốc gia Đài Loan (trước đây), nay là Học viện Catholica, Đại học Phụ Nhân, Đài Loan

Đề nghị quý vị dành thời gian viết bài và tham gia Hội thảo, khổ chữ 14 new time roman, trích dẫn đúng quy cách. Để tiện lợi cho việc in kỷ yếu sau này, đề nghị có thêm bản tóm tắt tiếng Anh khoảng 1 trang. Xin đề nghị quý vị vui lòng gửi bản tóm tắt trước ngày 31/3 và toàn văn trước ngày 31/5/2023. 

Mọi chi tiết xin liên hệ theo địa chỉ: nguyenquanghung50@gmail.com hoặc thunhussh@hotmail.com

Xin trân trọng cảm ơn.
BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO



Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Contact Me on Zalo