Sau khi báo Dân trí đăng bài: “Một ứng viên giáo sư trường ĐH Kinh tế quốc dân: Năm 2020 có 27 bài báo quốc tế”, nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều không bình thường nhưng lại là thực trạng hiện nay.
Không thể đột xuất có hàng chục công bố quốc tế
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một vị giáo sư cho hay, hiện nay có thực trạng, ứng viên một thời gian dài “im lặng”, nhưng đến giai đoạn chuẩn bị đăng ký xét giáo sư, phó giáo sư lại có “tiến bộ” thần kỳ với hàng loạt công bố “quốc tế” trong một năm, ít nhất là 5- 6 bài và nhiều nhất “đột biến” như ứng viên giáo sư trường ĐH Kinh tế quốc dân mà báo chí phản ánh; rồi xuất bản hết giáo trình này đến sách chuyên khảo khác.
“Những cống hiến của một nhà khoa học không phải chỉ dồn dập công bố quốc tế 1- 2 năm cuối mà là cả cuộc đời hoạt động khoa học công nghệ và giảng dạy đại học của họ” – vị giáo sư này nói.
Một vị giáo sư khác là thành viên của một Hội đồng giáo sư ngành cho biết, nghiên cứu khoa học là một quá trình tích lũy, không phải đột xuất có hàng chục công bố quốc tế nếu nhu cầu ứng viên không có các đề tài, chương trình nghiên cứu tương ứng để "nguyên liệu đầu vào" cho việc "sản xuất" ra các bài báo; nếu không thì chỉ là sự cóp nhặt và "sáng tác" mang tính hàng chợ.
Ở nước ngoài thì khác, một giáo sư có thể công bố khoảng 20 bài báo quốc tế chất lượng/năm vì họ hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh/năm.
Theo vị giáo sư này, về mặt đạo đức khoa học, sản xuất dồn dập trong một thời gian ngắn kiểu chạy nước rút để vượt điểm tối đa là biểu hiện của sự cơ hội, buôn danh bán hàm, điều không thể chấp nhận được ở các nhà khoa học chân chính, các nhà giáo tử tế.
“Ngoài việc công khai hồ sơ và công trình khoa học, Hội đồng cơ sở cũng phải công khai cả kết quả thẩm định để xã hội đánh giá mức độ chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm, và sự lương thiện, chính danh khoa học của Hội đồng cơ sở.
Bên cạnh đó, Hội đồng cơ sở cần có các nhà khoa học tinh thông về Công nghệ thông tin và đã có công bố quốc tế nhiều, để họ kiểm tra tính chuẩn xác của các bài báo quốc tế này, xem có thật là "quốc tế" không, có khả tín không, vì Tạp chí quốc tế cũng có 5-7 loại quốc tế khác nhau, có loại vẫn có thể "mua được" – vị giáo sư này nhấn mạnh.
Vị giáo sư này đề nghị, với các công bố quốc tế, Hội đồng giáo sư nhà nước cần có hướng dẫn để minh định giữa công bố quốc tế và công bố ở nước ngoài.
Công bố quốc tế tăng vọt của ứng viên giáo sư: Liệu chất lượng có đảm bảo? -
Danh sách một trong số các bài báo quốc tế của một ứng viên giáo sư trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2020
Theo một số nhà khoa học, sau khi được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư xong nhiều người lại tiếp tục “im lặng khó hiểu” như giai đoạn trước khi họ được xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư; Hội đồng Giáo sư Nhà nước cần có bảng công bố danh sách các giáo sư, phó giáo sư không có công bố quốc tế (chất lượng) sau 1 năm, sau 3 năm, sau 5 năm, sau 10 năm...
Vậy có nên coi đó là biểu hiện của “chủ nghĩa cơ hội” không và ứng xử của Hội đồng giáo sư nhà nước với các “nhà khoa học” này như thế nào?
Trước đó, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước cho biết, hàng năm sẽ có sự thay đổi thành viên Hội đồng giáo sư khi các đối tượng ứng viên các ngành thay đổi và khi các thành viên Hội đồng giáo sư chưa làm hết trách nhiệm, khả năng.
Phải thẩm định kỹ lưỡng về các bài báo khoa học
Tại hội nghị tập huấn về công tác xét và công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã lưu ý, các bài báo khoa học đăng tải tại các tạp chí có tên trong danh mục Predatory Journals, Beal List, Open access… Hội đồng giáo sư các cấp cần thẩm định kỹ về chất lượng.
Thông tin từ Tạp chí khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với sự gia tăng nhanh chóng của các công bố khoa học trên toàn thế giới, số lượng các Tạp chí ngụy tạo (Predatory journals) cũng gia tăng một cách chóng mặt và trở thành một vấn nạn nghiêm trọng đối với cộng đồng học thuật.
Cách thức hoạt động của các tạp chí này rất tinh vi, họ cũng có đăng ký chỉ số, có website, đặc biệt, thường lấy tên và hình ảnh gần giống với các tạp chí nổi tiếng khác và những tạp chí này rất hay gửi thư mời đăng bài đến các nhà nghiên cứu.
Chia sẻ với Dân trí, một vị giáo sư cho biết, các Tạp chí này gây ra sự nhầm lẫn tai hại đối với những nhà khoa học chưa có nhiều kinh nghiệm đăng bài báo quốc tế.
Các công bố khoa học khi xuất bản trên những tạp chí này sẽ không được cộng đồng khoa học chấp nhận và việc trích dẫn từ những bài báo đăng trên các tạp chí này cũng làm cho kết quả nghiên cứu bị đánh giá thấp, có thể bị từ chối đăng bài tại các tạp chí uy tín khác.
Tạp chí khoa học ngụy tạo (Predatory journals) là các tạp chí khoa học xuất bản các công bố nhưng không thực hiện quy trình phản biện độc lập, hoặc thực hiện vô cùng qua loa, và đôi khi thu lệ phí xuất bản rất cao.
Vì vậy, việc hiểu rõ về Tạp chí ngụy tạo và cách phân biệt chúng là rất cần thiết đối với các nhà khoa học khi công bố quốc tế.
Công bố quốc tế tăng vọt của ứng viên giáo sư: Liệu chất lượng có đảm bảo? - 2Nhấn để phóng to ảnh
Tạp chí khoa học Học viện Nông nghiệp đã chỉ ra một số đặc điểm chung của các tạp chí khoa học ngụy tạo như sau:
Thu phí xuất bản rất cao trong khi không có phản biện độc lập và giám sát chặt chẽ của ban biên tập; Chỉ thông báo với tác giả về phí xử lý bài sau khi bài đã được chấp nhận; Tích cực mời chào gửi bài hoặc tham gia vào hội đồng biên tập.
Thậm chí, thời gian chấp nhận đăng bài rất nhanh, có khi chỉ trong vòng 3 ngày đến 1 tuần (Trong khi thông thường một bài báo khoa học cần tối thiểu sáu tháng để bình duyệt và xuất bản; Thời gian có thể kéo dài gấp đôi hoặc hơn nữa ở những tạp chí “khó tính”), và chấp nhận cả những bài có chất lượng thấp và nội dung phi lý.
Ngoài ra, các tạp chí này đăng bài mà không hề có sự sửa chữa, biên tập nào, kể cả lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp; Đưa các nhà khoa học vào hội đồng biên tập khi chưa được phép, và không cho họ rời hội đồng biên tập hay đưa các nhà khoa học giả mạo vào hội đồng biên tập hoặc đưa tên họ vào danh sách tác giả bài báo.
Nguy hiểm hơn nữa, các tạp chí này còn gian lận về sử dụng ISSN hoặc sử dụng ISSN không đúng cách; dùng tên hoặc thiết kế website gần giống với các tạp chí có uy tín hoặc thông tin sai lệch về hoạt động xuất bản, chẳng hạn như giả mạo thông tin về trụ sở có những tạp chí chỉ hoạt động online, không có địa chỉ bưu điện; Hệ số ảnh hưởng (impact factor) giả, hoặc không có.
Danh sách các Tạp chí khoa học ngụy tạo có thể được tham khảo tại Website của Stop Predatory Journals: https://predatoryjournals.com/journals/.
Hoặc tại:
https://beallslist.net/standalone-journals/?fbclid=IwAR3HCMHpnjxw2tAwnDgPaYBxBfnvDld50NmAq8ThHVhwyfobN5g66fwSZvg
Chính vì sự ngụy tạo này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước được xã hội và cộng đồng các nhà khoa học cho đó là một tổ chức học thuật, hội tụ các nhà khoa học ưu tú nhất, họ là rường cột của Giáo dục đại học và KH&CN nước nhà nên rất cần có một cái nhìn chuẩn xác, công khai, minh bạch về các bài báo quốc tế của các ứng viên.
Hồng Hạnh
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/cong-bo-quoc-te-tang-vot-cua-ung-vien-giao-su-lieu-chat-luong-co-dam-bao-20200725130757322.htm
Tags:
Thông tin hữu ích