Cách viết và cấu trúc chi tiết của một bài báo khoa học như thế nào?

Cách viết và cấu trúc chi tiết của một bài báo khoa học như thế nào?

Xuất bản quốc tế - xuatbanquocte.com xin giới thiệu một bài hướng dẫn chi tiết về cách viết và cấu trúc của một bài báo khoa học.

 Bài báo khoa học là bản báo cáo kết quả nghiên cứu của một người hay một nhóm nào đó. Bài báo khoa học được đăng tải phải có 5 bước:    

- Lựa chọn chủ đề nghiên cứu phù hợp
- Thiết kế nghiên cứu
- Thu thập số liệu
- Phân tích số liệu
- Trình bày kết quả

Phương pháp viết bài báo khoa học gồm 4 phần chính (IMRAD)

- Giới thiệu: I (Introduction) nêu vấn đề đã được chọn lựa để nghiên cứu
- Phương pháp: M (Method) sử dụng phương pháp nào và tiến hành ra sao?
- Kết quả: R (Result) phát hiện gì từ việc nghiên cứu.
- Và: A (And)
- Bàn luận: D (Discusion) ý nghĩa của những phát hiện từ nghiên cứu.

Cấu trúc chi tiết của một bài báo gồm các phần sau:

- Tiêu đề      (Title)
- Tên tác giả (Authorship)
- Tóm tắt     (Abstract or Summary)
- Từ khóa    (Key words)
- Đặt vấn đề (Introduction) và mục tiêu nghiên cứu (Objective)
- Phương pháp nghiên cứu (Materials and Methods)
- Kết quả      (Results)
- Bàn luận     (Discussion)
- Kết luận      (Conclusion), có thể ghép với bàn luận
- Lời cảm ơn (Acknowledgements)
- Tài liệu tham khảo (References)
- Phụ lục      (Appendix)

Để được đăng ở các loại tạp chí tác giả cần biết rõ ràng về loại bài báo mà ta dự định viết, thực hiện đúng theo hướng dẫn yêu cầu của từng tạp chí. Văn phong rõ ràng, cách viết khoa học, viết phản ánh sự thật từ nghiên cứu một cách trung thực, chính xác, tránh dùng văn nói trong bài báo cáo.

 Cách viết cụ thể cho bài báo gồm các phần sau:

* Tiêu đề bài báo: viết trên trang đầu của một bài báo, thường ở trung tâm, không gạch chân, nghiêng tựa đề, dưới tựa đề là tên tác giả và nơi làm việc của từng tác giả. Để có một tựa đề tốt, nên xem xét đến một số khía cạnh, không viết tắt, không đặt tựa đề mơ hồ, cần có yếu tố mới, có liên quan từ khóa quan trọng sử dụng trong các cơ sở dữ liệu, không dài quá 20 từ.

Ví dụ:
Tiêu đề chưa tốt: Nghiên cứu hút thuốc lá trong sinh viên Đại học Huế 2014.
Tiêu đề tốt hơn: Thực trạng sử dụng thuốc lá trong sinh viên Đại học Y Dược Huế và một số yếu tố ảnh hưởng-Năm 2014

* Tóm tắt: có thể sử dụng 1 trong 2 loại tóm tắt:
          Tóm tắt không cấu trúc hoặc tóm tắt không tiêu đề là một đoạn văn duy nhất tóm tắt công trình nghiên cứu.
          Tóm tắt có cấu trúc hoặc tóm tắt có tiêu đề là có nhiều đoạn văn theo các tiêu đề sau đây: hoàn cảnh và mục tiêu (Background &Aims), phương pháp thực hiện (Methods), kết quả nghiên cứu (Results), và kết luận (Conclusions). Số lượng từ tóm tắt khoảng 200-300 từ, chi tiết như sau:

- Hoàn cảnh và mục đích nghiên cứu:
Câu 1: mô tả vấn đề tác giả quan tâm là gì, tình trạng tri thức hiện tại ra sao.
Câu 2: mô tả mục đích nghiên cứu một cách ngắn gọn nhưng phải rõ ràng.

- Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu thiết kế theo mô hình gì, đối tượng tham gia nghiên cứu đến từ đâu và đặc điểm của đối tượng, phương pháp đo lường, yếu tố nguy cơ thường là 4-5 câu văn.

- Kết quả: những kết quả chính của nghiên cứu, kể cả những số lượng điểm yếu. Trình bày sao cho trả lời câu hỏi nghiên cứu đặt ra từ câu văn đầu tiên, khoảng 4-8 câu.

- Kết luận: 1 hoặc 2 câu văn kết luận và ý nghĩa của kết quả nghiên cứu. Phần lớn độc giả chú tâm vào câu văn này trước khi đọc các phần khác, cần chọn câu chữ sao cho “thuyết phục” và thu hút.

- Từ khóa: 3- 6 từ khóa về chủ đề chính, dễ tìm kiếm.

* Đặt vấn đề hay phần giới thiệu: cần trả lời câu hỏi “Tại sao làm nghiên cứu này?”, gồm các ý: nêu bối cảnh, thực trạng vấn đề nghiên cứu, định nghĩa vấn đề hoặc thuật ngữ chuyên môn; tình trạng hiện tại của nền tảng kiến thức (tóm tắt những kết quả nghiên cứu trước đã công bố); nêu các thông tin còn thiếu, mô tả các thiếu hụt hiện có về kiến thức; trình bày mục tiêu của nghiên cứu này là gì và sơ lược cách chuẩn bị nghiên cứu để trả lời mục tiêu nghiên cứu.

 Lưu ý cách nêu vấn đề đảm bảo nguyên tắc “từ tổng quan đến cụ thể”, từ rộng đến hẹp, từ chung đến cụ thể, từ quá khứ đến hiện tại, chiếm khoảng  ½ trang, thông tin trong phần đặt vấn đề phải có liên quan đến vấn đề nghiên cứu, có mục tiêu nghiên cứu.

* Đối tượng và phương pháp: đây là phần quan trọng nhất vì thể hiện tính khoa học, 70% các bài báo bị từ chối là do khiếm khuyết phương pháp. Đây là phần mà các nhà khoa học thường quan tâm đọc trước khi đọc toàn bộ bài báo. Độ dài gấp 2-3 lần đặt vấn đề, khoảng 7 đoạn. Nội dung thể hiện là mô tả nghiên cứu một cách đầy đủ, khi đọc các nhà nghiên cứu khác có thể học và áp dụng được, bao gồm các thành phần như đã làm gì? Làm như thế nào? và phân tích số liệu như thế nào? Chi tiết cụ thể như sau:

- Thiết kế nghiên cứu:  mô tả ngắn gọn về mô hình nghiên cứu. Đây là câu văn đơn giản, nhưng nói lên giá trị khoa học của công trình.

- Đối tượng nghiên cứu: thông tin về đặc điểm đối tượng nghiên cứu đóng vai trò quan trọng để người đọc đánh giá khái niệm, khái quát hóa công trình nghiên cứu. Gồm đặc điểm đối tượng nghiên cứu: tuổi, giới, dân tộc, trình độ học vấn, hôn nhân… tiêu chuẩn tuyển chọn và tiêu chuẩn loại trừ: nêu các biến số.

- Địa điểm và thời gian nghiên cứu: địa điểm có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Nêu địa điểm và thời gian thực hiện.

- Cỡ mẫu và chọn mẫu: rất quan trọng trong nghiên cứu, thường có 1 câu văn mô tả cách xác định cỡ mẫu. Không nhất thiết phải là công thức tính, mà là những giả định đằng sau cách tính. Mẫu được chọn theo cách nào: ngẫu nhiên, thuận tiện, hay toàn bộ….)

- Công cụ nghiên cứu và kỹ thuật thu thập thông tin: nêu bộ công cụ, các biến số, việc thử nghiệm. Quy trình nghiên cứu và thu thập số liệu gồm các bước nghiên cứu, thu thập số liệu, can thiệp, thử nghiệm can thiệp…

- Phân tích dữ liệu: chú ý 50% số bài báo trong tạp chí quốc tế (như JAMA) bị tối chối vì sử dụng thống kê không đúng. Cụ thể lưu ý các biến số (độc lập, phụ thuộc), test thống kê, phần mềm sử dụng.

- Đạo đức nghiên cứu: nếu đã được Tổ chức duyệt (số chứng nhận), thực tế triển khai (đồng thuận, tự nguyện, có gây hại không, bảo mật).

* Kết quả nguyên tắc là trình bày những điều phát hiện qua nghiên cứu, trả lời được các câu hỏi “đã phát hiện những gì?” hoặc trả lời các mục tiêu nghiên cứu. Cần phải phân biệt đâu là kết quả chính và kết quả phụ, chỉ nên trình bày kết quả quan trọng. Trình bày hợp lý theo qui định, bảng/biểu có tiêu đề phù hợp, đối với bảng/biểu có trên 5-10 dòng, nhóm số liệu theo mục tiêu/đặc điểm, dòng/cột không hiển thị. Đối với biểu/hình: tiêu đề ở dưới, hạn chế màu, chú thích rõ ràng, dễ hiểu.

Khi trình bày kết quả, diễn giải ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, không lặp lại (lời, bảng, biểu), đặc biệt trung thực với kết quả (kể cả tiêu cực, mâu thuẫn), tuyệt đối không bình luận cao hay thấp, xấu hay tốt... mà để nội dung này ở trong phần bàn luận.

Văn phong dùng thì quá khứ, dạng chủ động, đối với các thống kê (như tên của test, trị số P) nên viết trong ngoặc cùng với kết quả chính.

* Bàn luận đây là phần khó viết nhất, bởi lẽ không biết bắt đầu như thế nào? Không biết nhấn mạnh vào khía cạnh nào? Viết như thế nào cho thuyết phục? Viết theo cấu trúc nào?  Nên nhớ là không có một cấu trúc cụ thể. Tuy nhiên, những báo cáo hay thường cấu trúc 6 điểm tương đương 6 đoạn chính sau:

- Tóm lược bối cảnh, giả thuyết, mục tiêu, và phát hiện chính trong đoạn văn đầu tiên;
- So sánh những kết quả này với các nghiên cứu trước;
- Giải thích kết quả bằng cách đề ra mô hình mới hay giả thuyết mới; giả định và dự đoán;
- Khái quát hóa (generalizeability) và ý nghĩa (implications) của kết quả;
- Bàn qua những ưu-nhược điểm của nghiên cứu (có ảnh hưởng đến kết quả không?)
- Một kết luận tổng hợp rút ra từ kết quả và bàn luận.

* Kết luận và khuyến nghị

Một kết luận tổng hợp rút ra từ kết quả và bản luận. Ý nghĩa quan trọng nhất của nghiên cứu tác giả là gì? Cần có khuyến nghị gì?

* Lời cảm ơn cảm ơn các cơ quan đã tài trợ nghiên cứu, hay nhà hảo tâm giúp đỡ tài chính/kỹ thuật cho tác giả. Cảm ơn đồng nghiệp đã giúp đỡ nghiên cứu, nhưng họ không đủ tiêu chuẩn để đứng tên tác giả. Cảm ơn đối tượng nghiên cứu đã tham gia. Một số tập san yêu cầu tác giả phải có sự đồng ý của người được cảm ơn, lý do vì sợ bị lợi dụng.

* Tài liệu tham khảo sử dụng tài liệu tham khảo phù hợp, cập nhật để chứng minh luận điểm trong đặt vấn đề, phương pháp và bàn luận. Lưu ý chỉ sử dụng tài liệu thực sự đọc. Sử dụng lối trích dẫn phù hợp và nhất quán theo yêu cầu của mỗi tạp chí, nên sử dụng phần mềm (Endnote) để trích dẫn và định dạng tài liệu tham khảo. Độ dài của danh mục tài liệu tham khảo dưới 10 tài liệu đối với bài báo Việt Nam và 15-30 tài liệu đối với bài báo quốc tế.

Các lý do của bài báo bị từ chối đăng và cách khắc phục

- Không thuộc  lĩnh vực quan tâm. Cần chọn tạp chí phù hợp chuyên ngành.
- Phạm vi hẹp, cỡ mẫu nhỏ, phương pháp kết quả không mới. Chọn tạp chí phù hợp.
- Kết quả và bàn luận không thuyết phục, do kết quả phân tích số liệu mặc dù thiết kế tốt. Cần phân tích thống kê, trình bày kết quả phù hợp, tổng quan tài liệu.
- Hình thức và cấu trúc không đúng qui định. Cần nghiên cứu kỹ và tuân thủ hướng dẫn
- Không đạt tiêu chuẩn ngôn ngữ (tiếng Anh). Viết cẩn thận từ đầu, nhờ chuyên gia ngôn ngữ hiệu đính.
- Không đạt tiêu chuẩn đạo đức. Tuân thủ nguyên tắc đạo đức, thông qua hội đồng đạo đức.
- Các lý do khác (đạo văn, tài liệu tham khảo…). Đảm bảo trung thực, sử dụng phần mềm kiểm tra. Sử dụng phần mềm Endnote để trích dẫn tài liệu tham khảo.

Một số kinh nghiệm:

Viết đi viết lại, suy ngẫm, viết câu ngắn. Nên tạo các đề mục theo trình tự logic như quy định của tạp chí. Lưu ý sử dụng thì của động từ trong các phần như phần đặt vấn đề và bàn luận thường sử dụng thì hiện tại và quá khứ; phần phương pháp, kết quả và kết luận hoàn toàn thì quá khứ; phần khuyến nghị dùng thì tương lai, hình và biểu đồ đơn giản, tránh sử dụng hình 3D, không màu và không trùng lặp với bảng.

Đối với sửa bài báo sau phản biện, cần đọc kỹ các góp ý sửa bài báo và trả lời từng góp ý. Nguyên tắc là luôn làm hài lòng người bình duyệt, cụ thể:

- Đồng ý và sửa được: nêu rõ đã sửa như thế nào, bổ sung kết quả sửa
- Đồng ý và không sửa được: nêu rõ là không sửa được vì thiếu số liệu hoặc/và thừa nhận hạn chế của nghiên cứu.
- Không đồng ý: nêu rõ là sau khi cân nhắc thì nhóm nghiên cứu muốn được giữ nguyên ý kiến và nêu ra các bằng chứng hỗ trợ.

 Trên đây là những nội dung quan trọng cần tuân thủ khi viết một bài báo khoa học, thực hiện đầy đủ cấu trúc chi tiết trên sẽ giúp bài báo được đăng tải ở các tạp chí.

Nguồn: https://hiv.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=87&tc=1035
Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Contact Me on Zalo